Mỗi loại cây, có hoa, có lá khác nhau có một nét đẹp riêng. Cây đa, to xum xuê che rợp cả một vùng đất rộng, là nơi nghỉ mát của người và vật tránh nắng, nóng của mùa hè, là cảnh đẹp của quê hương "cây đa, giếng nước, sân đình" để ôn, để nhớ khi đi xa, ở nơi đất khách quê người . Cây đa là biểu tượng của hội người cao tuổi Việt Nam và để chỉ những người có uy tín lớn trong xã hội. Nhưng dưới bóng đa to lớn vĩ đại ấy, ít cây sinh sống được.
Cây tre, là cây thân thuộc nhất, như Thép Mới đã viết : tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre, nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi, đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn.
Tùng, bách, được ví như người hiên ngang, anh dũng vươn lên nơi khó khăn, không lùi bước.
Cây đa, cây tre ở làng quê dần dần ít đi, vài chục năm sau lớp trẻ sẽ ít người còn biết đến chúng nữa.
Cây cau, một cây đặc biệt, tục ngữ có câu: thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau. Hai chữ thừa, thiếu thật xác đáng vô cùng. Cây dừa ở làng quê cũng vắng bóng dần, các ao, hồ đã bị lấp đầy, thay thế cho chúng là những ngôi nhà kiên cố, và nhiều cây khác nữa. Còn cau, một cây cũng rất gần gũi và ngày càng nhiều hơn, đông đúc hơn vì nó sống được cả những nơi đầu thừa, đuôi thẹo, không tranh giành, không lấn át cây khác, không làm hư hại công trình, không bị gió mưa, giông bão quật đổ, nó còn hiên ngang đứng vững để cây trầu bám rễ leo lên, nó thật xứng đáng là một đấng quân tử, đội trời đạp đất. Nó vẫn còn đượm sắc tơ duyên lắm...
Ngày nay các nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, công sở mới mọc lên hầu như cây cau cũng theo đó mà phát triển. Tôi không có tham vọng nói nhiều về các loại cây , trong khuôn khổ bài viết này tôi xin giới thiệu bài thơ:
VỊNH CÂY CAU
(Không cần Đường Luật)
BÀI GỐC
I Không cành, không nhánh chẳng ganh đua
Đứng thẳng hiên ngang giữa nắng mưa
Vùi dập, bão giông, không khuất phục
Nắng thiêu sương tuyết suốt bao mùa
"Đơn thân đạp đất" oai hùng lắm
"Một cột đội trời" há chịu thua
Điển tích "trầu cau" truyền mãi mãi
Miếng trầu, đầu chuyện có từ xưa !
II . LẤY HAI CHỮ ĐẦU VÀ BA CHỮ CUỐI CÂU
được bài 2 (ngũ ngôn bát cú)
Không cành, chẳng ganh đua
Đứng thẳng giữa nắng mưa
Vùi dập, không khuất phục
Nắng thiêu suốt bao mùa
"Đơn thân" oai hùng lắm
"Một cột" há chịu thua
Điển tích truyền mãi mãi
Miếng trầu có từ xưa !
III . BỎ HAI CHỮ ĐẦU CÂU (BÀI GỐC)
được bài 3 (ngũ ngôn bát cú)
Không nhánh chẳng ganh đua
Hiên ngang giữa nắng mưa
Bão giông, không khuất phục
Sương tuyết suốt bao mùa
"Đạp đất" oai hùng lắm
"Đội trời" há chịu thua
"Trầu cau" truyền mãi mãi
Đầu chuyện có từ xưa !
IV . BỎ TIẾP HAI CHỮ ĐẦU CÂU (BÀI 3)
được bài 4
Chẳng ganh đua
Giữa nắng mưa
Không khuất phục
Suốt bao mùa
Oai hùng lắm
Há chịu thua
Truyền mãi mãi
Có từ xưa !
V . ĐẢO VÀ HOÁN ĐỔI BỐN CHỮ ĐẦU:
CÂU THỨ NHẤT VỚI CÂU THỨ SÁU,
CÂU THỨ HAI VỚI CÂU THỨ NĂM
được bài 5 (thất ngôn bát cú)
"Đội trời một cột" chẳng ganh đua
"Đạp đất đơn thân" giữa nắng mưa
Vùi dập, bão giông, không khuất phục
Nắng thiêu sương tuyết suốt bao mùa
Hiên ngang đứng thẳng oai hùng lắm
Không nhánh, không cành há chịu thua
Điển tích "trầu cau" truyền mãi mãi
Miếng trầu, đầu chuyện có từ xưa !
VI . LẤY HAI CHỮ ĐẦU CÂU VÀ BA CHỮ CUỐI CÂU (BÀI 5)
được bài 6 (ngũ ngôn bát cú)
"Đội trời" chẳng ganh đua
"Đạp đất" giữa nắng mưa
Vùi dập, không khuất phục
Nắng thiêu suốt bao mùa
Hiên ngang oai hùng lắm
Không nhánh, há chịu thua
Điển tích truyền mãi mãi
Miếng trầu có từ xưa !
VII . BỎ HAI CHỮ ĐẦU CÂU (BÀI 5)
được bài 7 (ngũ ngôn bát cú)
" Một cột" chẳng ganh đua
"Đơn thân" giữa nắng mưa
Bão giông, không khuất phục
Sương tuyết suốt bao mùa
Đứng thẳng oai hùng lắm
Không cành há chịu thua
"Trầu cau" truyền mãi mãi
Đầu chuyện có từ xưa !
Đêm vùng than 28/3/2013
Đỗ Xuân Đào